Món bánh đúc mật là món bánh nổi tiếng đến từ xứ Huế mộng mơ. Đây được xem như một “món quà thơm ngon” của mùa xuân, bởi vì màu xanh tươi mát của món bánh này vốn được làm từ lá bồng bồng non chỉ có vào mùa xuân. Màu xanh tươi mát cùng hương vị thơm ngon đã tạo nên một món bánh rất đặc biệt được nhiều người yêu thích.
Nếu bạn chưa được thưởng thức món bánh thơm ngon này thì đừng lo bạn có thể tự làm tại nhà để ăn thử. Tuy các công đoạn có chút phức tạp nhưng chỉ cần theo đúng công thức là bạn có thể làm được ra hương vị đặc trưng của loại bánh này. Hãy cùng theo chân Lam Sơn Food vào bếp và bắt tay thực hiện cách làm bánh đúc mật thơm mềm ngay trong bài viết này!
Nguyên liệu cần thiết khi làm bánh đúc mật

Tuy các công đoạn làm có chút kỳ công nhưng nguyên liệu để làm loại bánh này cũng rất đơn giản và dễ kiếm:
Nguyên liệu chính
- 250g bột gạo
- 30 – 50g lá bồng bồng
- Nước tro
- Mật mía
- Lá chuối
- Nước cốt chanh
Dụng cụ
- Nồi sâu lòng
- Đũa cả
- Dao tre vát (nếu có)
- Khay đựng
Hướng dẫn cách làm bánh đúc mật ngon chuẩn vị Huế
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Lá bồng bồng rửa sạch với nước rồi mang đi xay hoặc giã để vắt lấy nước. Nếu chỗ bạn không có lá bồng bồng, có thể thay thế bằng lá dứa, tuy nhiên như vậy sẽ không giữ được hương vị cũng như mùi thơm chính gốc của món bánh đúc mật. Bạn cũng có thể sáng tạo ra các màu sắc khác bằng cách sử dụng: lá cẩm, hoa đậu biếc,…
Gạo vo cho sạch rồi ngâm với nước tro trong khoảng 6 – 10 tiếng đồng hồ rồi mới mang đi xay thành bột. Nước tro ngâm phải là loại tro đốt từ củi hoặc lá không bị lẫn các loại tạp chất, nếu có điều kiện nên sử dụng tro đốt từ các loại thảo mộc, hoặc bạn có thể đi tìm mua nước tro tàu bán sẵn.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm bánh gai bằng bột lá gai, ngon chuẩn vị
Tiếp đến cho bột vào một chiếc túi vải rồi ngâm trong nước tro khoảng 2 tiếng rồi mang đi nhồi vắt. Nếu bột càng nhồi càng ra nhanh thì đó là bột đã cũ, khô, chuẩn để đổ bánh. Ngược lại, nếu bột càng nhào càng bị bết, không tan ra được thì đó là gạo mới, bạn phải đổi bột thì bánh làm ra mới ngon được. Ngoài ra, bước nhồi vắt bột này còn giúp loại bỏ được cặn để bánh làm ra được mịn và mướt hơn.
Tiếp đến là bạn đổ nước lá bồng bồng từ từ vào hỗn hợp bột theo tỷ lệ (nước lá : bột là 1:3) vừa pha vừa đánh cho hỗn hợp quyện đều, chú ý không nên cho quá nhiều nước lá để tránh bánh bị đắng.

Bước 2: Khuấy bánh
Bột bánh sau khi đã đánh tan đều với nước là thì bắc lên nồi khuấy trên bếp với lửa nhỏ cho đến khi bột sệt lại. Khi vớt bột lên thấy bột hơi trong là đã được.

Đổ bột bánh đã chín ra mẹt hoặc khay đã có lót sẵn lá chuối hoặc giấy nến phía trên rồi dàn bột cho đều ra rồi chờ đến khi bánh nguội, cắt thành từng miếng nhỏ sao cho vừa ăn.

Ngoài ra, còn cách khác là bạn khuấy bột đến khi vừa đặc thì đổ ra khuôn rồi mang đi hấp tiếp cho đến khi bánh chín. Tuy nhiên, cách này khi ăn bánh sẽ không được mềm như cách trên.
Bước 3: Hoàn thành
Bước cuối cùng chính là làm mật mía để ăn kèm cùng loại bánh đúc này. Mật mía bạn cho lên bếp đun đến khi vừa ấm thì tắt bếp, lúc sắp ăn thì vắt thêm một chút xíu nước cốt chanh và khuấy đều. Nước cốt chanh sẽ làm cho mật không bị quánh đặc lại và vị cũng sẽ thanh trong hơn. Khi đơm bánh đúc sẽ dùng một chiếc dao tre bé để quết mật rưới lên mặt bánh và dùng chiếc dao đó để xắn bánh ăn luôn.

Những lưu ý khi làm bánh đúc mật
Cách làm món bánh đúc mật này khá quan trọng và vất vả ở khâu khuấy bột bánh, thêm vào đó để làm món bánh này ngon hấp dẫn, đúng chuẩn vị bánh bạn nên lưu ý một số điều nhỏ sau:
- Khi khuấy bánh trên bếp nhớ chú ý canh lửa, không để lửa quá to để tránh bánh bị khét.
- Bánh đúc nếu ăn không hết bạn hãy bảo quản vào trong ngăn mát tủ lạnh, khi nào ăn chỉ cần lấy ra cho vào lò vi sóng hoặc hấp cách thủy là có thể ăn được rồi nhé!
Cách thưởng thức bánh đúc mật ngon đúng điệu

Xem thêm: Chia sẻ cách làm bánh dứa đơn giản, chuẩn vị Đài Loan
Với món bánh này chính gốc ở Huế người ta sẽ cứ thế ăn trực tiếp với mật mía là đúng chuẩn hương vị bánh gốc nhất. Ngoài ra, theo một số cách biến tấu ở những vùng miền khác, bạn cũng có thể chấm và ăn kèm bánh đúc với nước cốt dừa hoặc nước đường thốt nốt rồi lại rắc thêm một chút các loại topping đa dạng tùy thích như: vừng rang, đậu phộng rang, dừa bào vụn, bò khô, khô gà… cũng rất ngon đấy nhé!
Trên đây là công thức và cách làm món bánh đúc mật vô cùng hấp dẫn thơm ngon mà lại vô cùng đơn giản dễ thực hiện. Hy vọng với những chia sẻ trên của Lam Sơn Food sẽ giúp bạn làm thành công món bánh đặc biệt này nhé!