Bánh Trung thu là một món quà không thể thiếu trong dịp Rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm. Nhưng năm nay thay vì mua bánh, bạn hãy tự mình làm những chiếc bánh nướng thơm ngon để cùng thưởng thức bên gia đình có lẽ ý nghĩa hơn rất nhiều đó. Hãy cùng Lam Sơn Food tìm hiểu chi tiết cách làm bánh nướng Trung thu đơn giản tại nhà ngay dưới bài viết này nhé!
Nguyên liệu cần thiết để làm bánh nướng

Phần vỏ bánh
- 320g bột mì
- 200g nước đường
- Dầu hướng dương
- Bơ đậu phộng
- Lòng đỏ trứng gà
- Bột sư tử
Phần nhân bánh
- 100g hạt điều hoặc hạnh nhân
- 100g vừng trắng
- 100g mứt bí
- 100g thịt xá xíu
- 100g mỡ đường
- 100g lạp xưởng
- Mứt sen, hạt bí, hạt dưa.
- Lá chanh, mứt vỏ chanh, ngũ vị hương.
Phần làm kết dính nhân
- 80g bột bánh dẻo
- Nước
- Rượu mai quế lộ
- Dầu mè
- Đường
Phần quét mặt bánh
- Lòng đỏ trứng, lòng trắng trứng
- Sữa tươi không đường
- Dầu mè, hắc xì dầu
Dụng cụ làm bánh
- Khuôn bánh
- Âu trộn
- Thìa trộn
- Dụng cụ quét mặt bánh
Hướng dẫn cách làm bánh nướng đơn giản
Bước 1: Làm vỏ bánh
Rây bột thật mịn, cho 200g bột mì và 10g bột sư tử vào âu, trộn đều 2 loại bột lại với nhau. Cho phần nước đường, dầu hướng dương, bơ đậu phộng và lòng đỏ trứng đã chuẩn bị vào âu bột và trộn đều hỗn hợp.

Thêm tiếp 50g bột mì vào âu, lúc này hỗn hợp bột rất đặc nên bạn dùng tay để nhào bột đều lên thành một khối mịn. Nên dùng bao tay để bột không bám vào tay và dễ dàng hơn trong việc trộn bột.
Lúc này bột khá ướt nên bạn tiếp tục thêm 50g bột vào trộn tiếp, với 20g bột còn lại bạn dùng để điều chỉnh tùy theo mức độ đặc hay loãng của hỗn hợp bột. Trộn đến khi bột mịn và không dính tay thì dừng lại rồi tiến hành bọc kín phần bột này bằng bọc thực phẩm và ủ trong 30 phút.

Bước 2: Chuẩn bị phần nhân bánh
Trong thời gian chờ ủ bột vỏ bánh, bạn tiếp tục rang phần hạt đã chuẩn bị đến khi chúng chín vàng và thơm. Cho đường vào nồi nước rồi đun sôi, cho thêm gừng thái nhỏ vào và tiếp tục đun thêm 3 phút nữa thì tắt bếp và để nguội. Sau đó, bạn giã nát hạt điều và các loại mứt, còn phần lạp xưởng thì cho vào lò vi sóng quay trong khoảng 20 giây rồi thái nhỏ.

Xem thêm: Chia sẻ 3 cách làm bánh bao bằng bột mì thơm ngon, ăn không ngấy
Trộn tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh lại với nhau, cho thêm bột bánh dẻo, dầu mè và rượu mai quế lộ vào trộn đều. Tiếp đó, cho phần nước đường nấu với gừng vào từ từ rồi trộn đều và nên chia thành nhiều đợt cho nước đường vào.
Khi bột bánh dẻo gặp nước sẽ nở ra và tạo thành độ kết dính giúp phần nhân bánh dính lại với nhau. Cứ trộn phần nhân bánh đến khi đều và cảm nhận độ ẩm của nhân. Để kiểm tra phần nhân, bạn thử vo một ít nhân bánh lại nếu bánh dính với nhau không tách rồi thì đã đạt chuẩn.

Trong quá trình này, bạn có thể tùy chỉnh gia vị để hợp với khẩu vị hơn. Nếu nhân quá khô thì bạn cho thêm ít nước vào, nếu chưa đủ độ dính thì cho thêm bột bánh dẻo. Sau khi trộn xong thì chia nhỏ phần nhân ra thành nhiều phần, với cách làm này thì bạn nên dùng khuôn bánh 85g, mỗi phần nhân chia nhỏ khoảng 55g. Vo tròn nhân bánh và tiếp tục làm bánh ngay do trong nguyên liệu có nhiều hạt nếu để lâu thì hạt sẽ bị ỉu làm bánh mất vị ngon.

Bước 3: Nặn bánh
Sau khoảng 30 phút ủ phần bột vỏ bánh thì bột đã dẻo và ít dính hơn. Chia bột ra thành những phần nhỏ khoảng 30-35g. Vo bột thành một khối tròn, chú ý nên rửa tay sạch và lau khô sau đó thoa một ít bột mì vào 2 tay để có thể vo bột dễ hơn và không bị dính vào tay. Sau khi đã chia nhỏ thì dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại tránh bột bị khô.
Dùng cây cán bột để đã phủ sẵn một lớp bột áo mỏng cán nhẹ nhàng phần bột ra thành từng miếng dẹp hình tròn sao cho phần mép dày hơn phần giữa của miếng bột. Không nên cán quá rộng, cán vừa đủ bao khoảng ⅔ nhân bánh là được.

Đặt nhân bánh vào giữa miếng bột vừa cán, miết nhẹ nhàng vỏ từ dưới lên sau cho vỏ sát với nhân bánh. Dùng ngón cái và ngón trỏ vuốt phần mép bột sao cho bao đều hết phần nhân, nên vuốt nhẹ nhàng phần nối nhau của mép bột sao cho bột đều ra thành một khối. Dùng tăm chọc nhẹ vào phần bánh bị phồng lên do không khí không thoát ra được rồi nhẹ nhàng vuốt kín lại chỗ vừa chọc.

Bước 4: Đóng khuôn
Bật lò nướng ở nhiệt độ khoảng 180-190 độ C, chuẩn bị khay nướng bánh và lót sẵn giấy nến. Tiếp theo, dùng chổi quét nhẹ 1 lớp dầu mỏng lên bánh và khuôn rồi cho viên bánh vào khuôn bánh đã chuẩn bị, ấn nhẹ nhàng và dàn đều bánh rồi lấy bánh ra khỏi khuôn. Dùng tăm chọc nhẹ vài lỗ nhỏ ở bánh để khi nướng khí bên trong sẽ thoát ra dễ dàng giúp phần vỏ và nhân dính chặt vào nhau.

Nếu dùng khuôn bánh lò xo thì đặt khuôn bánh lên bàn đã phủ sẵn bột áo, giữ chắc khuôn và ép mạnh tay, dứt khoát thì bánh sẽ dễ lấy ra hơn và giữ được form đẹp hơn.

Bước 5: Nướng bánh
Trước khi nướng bánh bạn nên làm nóng lò vi sóng để đạt sẵn mức nhiệt độ cần thiết khi nướng bánh. Chú ý, lò cần có đủ 2 lửa trên và dưới để bánh chín đều không bị cháy 1 mặt. Cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong 15 phút.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm bánh chuối chiên thơm ngon, ăn mãi không chán
Trong lúc chờ bánh chín, bạn tiến hành làm hỗn hợp quét bên ngoài bánh. Trộn tất cả nguyên liệu chuẩn bị cho phần quét mặt bánh vào nhau, đến khi hết 15 phút lấy bánh ra khỏi lò và chờ bánh nguội bớt khoảng 10-15 phút, rồi dùng chổi mềm để quét phần hỗn hợp trứng lên bề mặt bánh theo chiều dọc từ dưới lên đảm bảo sao cho quét đều mặt bánh, không bị chỗ mỏng chỗ dày cũng như bị đọng lại giữa các khe rãnh trên bánh.

Sau đó, cho bánh vào lò nướng lần 2 ở nhiệt độ 200 độ C trong 10 phút. Sau 10 phút tiếp tục chờ bánh nguội rồi quét thêm 1 lớp hỗn hợp trứng lên bề mặt bánh. Cuối cùng thì cho bánh vào nướng lần thứ 3 ở nhiệt độ 200 độ C trong 10 phút tiếp tục. Có thể tùy chỉnh thời gian cũng như nhiệt độ khi nướng bánh tùy vào khối lượng bánh mà bạn làm.
Bước 6: Hoàn thành
Bánh mới nướng xong thì vỏ vẫn còn hơi cứng, và có màu hơi vàng. Để bánh khoảng 2-3 ngày thì đường sẽ xuống màu và dầu từ nhân bánh thấm dần ra ngoài vỏ làm bánh, lúc đó sẽ có màu nâu sậm, bóng và mềm. Bạn đóng gói kèm theo túi hút ẩm để bảo quản bánh.
Bảo quản bánh nướng đúng cách

Bánh nướng hay bánh trung thu cách bảo quản cúng khá đơn giản. Khi bánh nguội cho vào hộp hoặc túi nilon có kèm theo gói chống ẩm và bảo quản ở nơi thoáng mát. Do là bánh tự làm không có chất bảo quản nên có thể bảo quản trong 3-4 ngày ở nhiệt độ phòng và 1 tuần ở ngăn mát tủ lạnh. Thời gian sử dụng tốt nhất vào 3-4 ngày vì đây là thời gian bánh thấm dầu đều và có hương vị ngon nhất.
Ngoài nhân thập cẩm như bài viết đã đề cập thì bạn còn có thể làm bánh nhân đậu xanh, hạt sen hay sữa dừa để có thể được trải nghiệm nhiều mùi vị khác nhau tránh bị ngán. Hãy bắt tay làm những chiếc bánh trung thu để có thể cùng gia đình thưởng thức những lúc quây quần bên nhau và chia sẻ những khoảnh khắc ngọt ngào đó cho Lam Sơn Food biết với nhé! Chúc bạn thành công.